Kinh tếNông thôn mới

Vấn đề kỳ này

Tạo đồng thuận cao trong xây dựng nông thôn mới

14:10 - Thứ Tư, 09/10/2024 Lượt xem: 1415 In bài viết

ĐBP - Đến cuối tháng 9/2024, Điện Biên có 51/115 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chiếm 44,44% tổng số xã (trong đó, 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 23 xã đạt chuẩn NTM, 28 xã cơ bản đạt chuẩn NTM), tăng 13 xã so với giai đoạn 2016-2020; số tiêu chí bình quân 14,3 tiêu chí/xã, tăng 2,55 tiêu chí so với năm 2020.

Đánh giá cho thấy, giai đoạn 2021-2025, và qua từng năm, việc triển khai xây dựng NTM đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong đời sống người dân. Xây dựng NTM đã trở thành phong trào và có sức lan toả mọi mặt trong đời sống nhân dân. NTM quy hoạch theo hướng phát triển toàn diện và là định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định và giữ vững. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm bình quân 4 - 5%/năm. Các điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. Cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện, dân chủ ở cơ sở được phát huy...

Nhân dân từng bước xác định mình là chủ thể chính trong xây dựng NTM nên chủ động tự giác đóng góp nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ tài sản chung, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp. Trình độ, năng lực quản lý cán bộ, công chức các cấp của địa phương trong việc triển khai thực hiện xây dựng NTM được nâng lên rõ rệt, trách nhiệm ngày càng cao và gắn bó hơn với công việc.

Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 115 xã tham gia Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (trong đó 29 xã biên giới, 94 xã khu vực III, 57 thôn, bản đặc biệt khó khăn); tỷ lệ nghèo đa chiều khu vực nông thôn cao (năm 2021 là 42,03% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025); thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn thấp (năm 2021 đạt 16,8 triệu đồng/người/năm); quy mô nền kinh tế nhỏ, các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, phân bố dân cư không đồng đều... là những rào cản kìm hãm các mục tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Cụ thể: Hiện nay mới có 1 đơn vị cấp huyện (thị xã Mường Lay) đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm tra đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2023. Chưa đạt so với kế hoạch (có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM). Chưa có xã NTM kiểu mẫu được công nhận. Kế hoạch (có 1 xã NTM kiểu mẫu). Có 4 xã NTM nâng cao được công nhận, đạt 44,44% kế hoạch (có 9 xã NTM nâng cao).

Số xã được công nhận đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM là 51 xã, đạt 67,11% so với kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Trong đó 23/115 xã đạt chuẩn NTM, đạt 71,86% so kế hoạch (có 32 xã NTM); 28 xã cơ bản đạt chuẩn NTM, đạt 63,64% so với kế hoạch (có 44 xã cơ bản đạt chuẩn NTM).

Số thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM và NTM kiểu mẫu là 179 thôn, bản, đạt 27,54% so với kế hoạch. Trong đó, số thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM là 86 thôn, bản, đạt 23,62% so với kế hoạch; số thôn, bản được công nhận thôn, bản NTM kiểu mẫu là 93, đạt 65,50% kế hoạch.

Đến nay vẫn còn 3 huyện có xã dưới 10 tiêu chí; 3 huyện chưa có xã đạt chuẩn NTM; 3 huyện chưa có thôn, bản đạt chuẩn NTM và NTM kiểu mẫu; một số địa phương chưa chú trọng đến công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng KT - XH; công tác duy trì bền vững kết quả và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM sau đạt chuẩn, nhất là các tiêu chí môi trường, thu nhập… Tiến độ giải ngân vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình còn rất chậm…

Xác định, xây dựng NTM là Chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, người dân là chủ thể trong xây dựng NTM, càng khó khăn càng phải tìm giải pháp tháo gỡ, do vậy cần tập trung thực hiện kiên trì, bền bỉ của cả hệ thống chính trị; sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của cấp ủy, chính quyền và sự tham gia tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể.

Trước hết, cần tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp, văn minh, giàu bản sắc văn hóa. Khơi dậy được vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong xây dựng NTM ở mức cao nhất dựa trên nguyên tắc “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, từ đó, có tác dụng thúc đẩy, khích lệ phong trào thi đua xây dựng NTM ở tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh. Nội dung xây dựng NTM phải trở thành nhiệm vụ chính trị của địa phương và các cơ quan liên quan. Một mặt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở địa phương; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền về kết quả phong trào xây dựng NTM ở địa phương.

Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để người dân hiểu rõ về chủ trương, cơ chế chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, cộng đồng thôn, bản trong xây dựng NTM. Lấy nội lực là căn bản, hiểu kỹ nội dung, phương pháp, cách làm, tự tin đứng lên làm chủ, tự giác tham gia và sáng tạo trong tổ chức thực hiện theo phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân hưởng lợi” thì mục tiêu xây dựng NTM đến 2025 sẽ thành công như mong đợi.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top